Dựa vào cách phân chia theo quan hệ xã hội, từ ngữ tiếng Việt được chia thành nhiều loại như biệt ngữ xã hội, từ ngữ địa phương/ toàn dân,…Vậy biệt ngữ xã hội là gì? Từ ngữ địa phương/ toàn dân là gì? Cách sử dụng chúng như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu và ôn tập kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé!
Contents
Kiến thức về biệt ngữ xã hội
Biệt ngữ xã hội là gì?
Biệt ngữ xã hội là các từ được dùng phổ biến trong một tầng lớp nhất định và thường chỉ có những trong tầng lớp đó mới có thể hiểu được. Các tầng lớp xã hội có thể là tầng lớp thượng lưu/ trung lưu (trước cách mạng tháng 8), vua quan trong triều đình phong kiến, những người chơi thể thao, những người cùng tôn giáo hay những người làm cùng nghề với nhau,…
Hiện nay, các biệt ngữ xã hội vẫn còn tồn tại và được sử dụng trong một số ngành nghề nhất định.

Ví dụ về biệt ngữ xã hội
- Biệt ngữ của vua quan triều đình phong kiến: long thể, long bào, ngự giá, thị tẩm, khanh, trẫm,…
- Biệt ngữ xã hội của học sinh và sinh viên: trượt vỏ chuối, gậy, trúng tủ, ăn trứng ngỗng,…
- Biệt ngữ của người theo đạo Thiên Chúa: ơn ích, nữ tu, cứu rỗi,…
- Biệt ngữ của bọn trộm cắp thời bao cấp: đột vòm, chọi, rụng, đoa,…
- Biệt ngữ của người buôn bán thời bao cấp: ế vở, bắt mồi, sôi me, guồng, luộc,…
Sự khác biệt giữa từ ngữ chuyên ngành và biệt ngữ xã hội là gì?
Biệt ngữ xã hội được dùng trong một tầng lớp nhất định, có thể là học sinh, sinh viên, người cùng tôn giáo,….Trong khi đó, từ ngữ chuyên ngành là từ thuộc về một chuyên ngành cụ thể, chỉ được sử dụng trong phạm vi ngành nghề đó. Từ ngữ chuyên ngành mang đặc trưng của từng ngành nghề, biểu thị sự khác biệt giữa các ngành nghề với nhau.
Ví dụ về từ ngữ chuyên ngành:
- Từ ngữ chuyên ngành Marketing: Content (nội dung), digital marketing (chiến lược dùng marketing), brand (thương hiệu),…
- Các từ ngữ chuyên ngành Y: phẫu thuật, tiểu phẫu, lâm sàng, sàng lọc, bệnh án,…

Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương
Ngoài khái niệm biệt ngữ xã hội là gì thì từ ngữ toàn dân và địa phương cũng nhận được sự quan tâm của nhiều cộng đồng mạng. Không để các bạn phải chờ đợi lâu nữa, chúng ta cùng tìm hiểu ngay nhé!
Từ ngữ toàn dân là gì?
Đây là loại từ được thống nhất, lưu hành trên phạm vi toàn quốc, được toàn bộ người dân trên cả nước sử dụng. Bởi vậy, hầu hết mọi người đều có thể nghe, đọc và hiểu được.
Từ ngữ địa phương là gì?
Khác với từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương có phạm vi sử dụng hẹp, gắn liền với một hoặc một số địa phương nhất định. Loại từ này mang đặc trưng vùng miền nên phần ngữ pháp, ngữ âm và từ vựng có chút khác biệt.

Nguồn gốc sâu xa của từ ngữ địa phương là do cách phân chia khu vực địa lý giữa các tỉnh, thành. Ngoài ra, các yếu tố như phong tập tập quán, văn hóa, thành phần dân cư, yếu tố kinh tế – chính trị,… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành từ ngữ địa phương.
Tại Việt Nam, từ ngữ địa phương rất đa dạng và phong phú. Đôi khi bạn chỉ cần nghe giọng của ai đó là có thể đoán được họ lớn lên từ đâu nhờ giọng điệu đặc trưng của khu vực đó. Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa sâu xa và vận dụng chính xác chúng vào hoàn cảnh cụ thể đây không phải là điều đơn giản.
Ví dụ về từ ngữ địa phương:
- bố (miền Bắc) – ba, thầy (miền Trung) – tía, ba (miền Nam)
- mi (miền Trung) – mày (miền Bắc), tru (miền trung) – trâu (miền bắc), bổ (miền trung) – ngã (miền Bắc),…
Từ ngữ địa phương được chia thành 2 loại, đó là:
- Từ ngữ địa phương có ý nghĩa tương đương với từ ngữ toàn dân: Ví dụ như một số từ ngữ của miền Trung tru – trâu, trốc tru – ngu ngốc, cẳng – chân, con ròi – con ruồi, con mọi – con muỗi, trốc cúi – đầu gối,…
- Từ ngữ địa phương được dùng để chỉ hiện tượng, sự vật nơi đó nhưng sau khi phổ biến thì trở thành từ ngữ toàn dân. Tuy nhiên, về bản chất thì chúng vẫn là từ ngữ địa phương. Ví dụ như thúng, dần, sàng, nia, mãng cầu, sầu riêng,…
Từ ngữ địa phương có phải là biệt ngữ xã hội không?
Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn. Biệt ngữ xã hội được dùng ở một tầng lớp nhất định, tức là tầng lớp đấy ở bất kỳ địa phương nào đều có thể hiểu được.
Trong khi đó, từ ngữ địa phương chỉ được dùng trong một địa phương hoặc khu vực nhất định. Còn những người ở địa phương khác rất khó có thể hiểu rõ được. Hơn nữa, từ ngữ địa phương cũng được phân hóa cực kỳ nhỏ lẻ. Ví dụ trong cùng một huyện, ở các xã khác nhau cũng có cách sử dụng từ ngữ khác biệt. Vì vậy, đôi khi bạn khó có thể hiểu được người dân cùng quê mình đang nói gì.
Cách sử dụng biệt ngữ xã hội, từ ngữ địa phương
Từ khái niệm từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là gì, có thể thấy rằng phạm vi sử dụng hai loại từ này khá hẹp và hạn chế. Vậy nên, chúng ta cần lưu ý sử dụng sao cho phù hợp, không nên lạm dụng khiến người đọc, người nghe khó hiểu và không nắm bắt được hết thông tin. Thay vào đó, hãy sử dụng từ ngữ toàn dân để tạo sự thoải mái và nâng cao hiệu quả giao tiếp.
Chúng ta có thể sử dụng từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội để giao tiếp với người cùng tầng lớp hoặc cùng khu vực sinh sống để tạo sự gần gũi và thân mật. Hoặc có thể dùng trong các tác phẩm văn học để tăng tính biểu cảm và làm nổi bật tính cách nhân vật.

Xem thêm:
Trên đây là bài viết chia sẻ biệt ngữ xã hội là gì và một số kiến thức về từ ngữ địa phương, từ ngữ toàn dân. Mong rằng sẽ mang đến nhiều thông tin tham khảo hữu ích và có giá trị đến bạn đọc.