Nhờ có miêu tả mà chúng ta có thể hình dung rõ về đặc điểm, tính chất của mọi vật diễn ra xung quanh mình. Vậy miêu tả là gì? Thế nào là văn miêu tả? Cách viết một bài văn miêu tả hay và hấp dẫn như thế nào? Cùng maydanhbongsan.com tìm hiểu nhé!
Contents
Miêu tả là gì? Thế nào là miêu tả?
Miêu tả hay mô tả, diễn tả là việc dùng ngôn ngữ để tái hiện những đặc điểm, tính chất,… của sự việc hoặc sự vật cụ thể. Thông qua đó, người đọc hoặc người nghe có thể hình dung rõ hơn về đối tượng được nhắc đến.
Văn miêu tả là gì?
Văn miêu tả là loại văn giúp người nghe, người đọc hình dung rõ nét nhất về tính chất, đặc điểm, giá trị nổi bật của hiện tượng, sự vật,… thông qua việc quan sát, tưởng tượng, cảm nhận và tái hiện lại của tác giả.
Văn miêu tả càng chi tiết, sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật thì tính hình tượng lại càng cao, hình dung trong tâm trí người đọc càng rõ nét.
Ví dụ về đoạn văn miêu tả con mèo:
Jennifer là chú mèo Anh lông dài được mẹ tặng cho em hôm sinh. Jennifer là một “tiểu công chúa” với bộ lông màu trắng muốt như tuyết. Cặp mắt màu xanh ngọc to, tròn, trông rất đáng yêu. Jennifer rất nhanh nhẹn, tinh nghịch và rất thích vui đùa cùng em. Mỗi khi thấy em đi học về, cô nàng đều chạy lại cuốn chân để được vuốt ve và âu yếm.
Miêu tả nội tâm là gì?
Miêu tả nội tâm là tái hiện lại những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của đối tượng. Đây là một chi tiết đắt giá thường xuất hiện trong các văn bản tự sự.
Để miêu tả nội tâm nhân vật, ta có 2 cách:
- Miêu tả nội tâm trực tiếp: Thông qua việc diễn tả cảm xúc, suy nghĩ và tình cảm của nhân vật.
- Miêu tả nội tâm gián tiếp: Thông qua việc miêu tả nét mặt, cử chỉ, hành động, xuất thân, trang phục,… của nhân vật.
Các đặc trưng nổi bật của bài văn miêu tả là gì?
Dùng ngôn ngữ giàu sức gợi hình
Văn miêu tả là một trong các thể loại văn bản có tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, người nói hoặc người viết thường sử dụng ngôn từ giàu sức tạo hình để làm nổi bật hình dáng, tính chất của đối tượng miêu tả.
Thể hiện tư duy thẩm mỹ của người viết
Mỗi người có khả năng cảm nhận vẻ đẹp khác nhau. Vì vậy, văn miêu tả thể hiện rõ khả năng quan sát và tư duy thẩm mỹ của người viết. Nếu đối tượng được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ thì càng dễ kết nối và gây ấn tượng với người đọc. Từ đó giúp họ có thể dễ dàng theo dõi và ở lại lâu hơn trong câu chuyện của bạn.
Thường kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật
Đặc điểm nổi bật của văn miêu tả là gì? Đó là sự kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, liên tưởng, nhận xét, đánh giá,… Điều này giúp người viết có thêm nhiều “chất liệu” để khai thác, sáng tạo cái mới, thể hiện rõ bản sắc cá nhân dựa trên những thứ chân thật nhất được quan sát trong cuộc sống.
Ngoài ra, việc sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật còn giúp đối tượng miêu tả trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn. Từ đó có thể gây ấn tượng tốt với người đọc và “giữ chân” họ lâu hơn trong mạch cảm xúc của tác giả.
Vai trò của văn miêu tả là gì?
Trong văn học
- Giúp người đọc hình dung rõ hơn về đặc điểm, tính cách,… của đối tượng miêu tả. Trong các tác phẩm văn học, những đoạn văn miêu tả giúp nội dung câu chuyện có chiều sâu hơn; độc giả dễ dàng hình dung bối cảnh cũng như xuất thân, hoàn cảnh, sự xuất hiện,… của nhân vật.
- Thu hút, tạo sự kết nối và dẫn dắt người đọc vào mạch truyện. Các đoạn văn miêu tả thường đi kèm với yếu tố cảm xúc nên dễ dàng gây ấn tượng với độc giả.
Trong đời sống
- Giúp con người hiểu biết rõ hơn về thế giới xung quanh nhất, nhất là những nơi mà chúng ta chưa hoặc không có điều kiện đặt chân đến.
- Truyền tải thông tin rõ ràng và chính xác nhất đến người đọc. Nó giúp người xem/người đọc hình dung rõ nét nhất về sự vật, sự việc hoặc cảnh vật. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong các lĩnh vực của cuộc sống như y học, khoa học, du lịch, công nghệ,…
Các dạng bài văn miêu tả thường gặp
Văn tả cảnh
Đây là loại văn miêu tả yêu cầu người viết tái hiện lại cảnh vật tự nhiên hoặc cảnh sinh hoạt diễn ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Ví dụ: Tả cảnh chợ phiên quê em, tả cảnh bình minh/ hoàng hôn, tả khung cảnh sân trường mỗi giờ ra chơi,…
Văn tả người
Văn tả người thường hướng đến miêu tả về tính cách, ngoại hình,… để người đọc hình dung rõ đặc điểm của nhân vật. Không chỉ vậy, văn tả người còn mở rộng qua lời nói, hành động, cách cư xử,… của đối tượng.
Đối tượng của văn tả người thường là những người thân yêu xung quanh ta như bố mẹ, ông bà, bạn bè, thầy cô,…
Văn tả con vật
Để miêu tả con vật, chúng ta có thể miêu tả về hình dáng bên ngoài, tính cách, các hoạt động thường ngày và những kỷ niệm gắn liền với chúng. Dạng văn miêu tả này cũng đòi hỏi người viết phải có khả năng ghi nhớ và trí tưởng tượng phong phú.
Ví dụ: Em hãy miêu tả chú cún nhà em, tả con trâu, tả một con vật mà em yêu thích,…
Văn tả sáng tạo
Đối tượng của văn tả sáng tạo thường là các nhân vật xuất hiện trong hình dung tưởng tượng của người viết bắt nguồn từ cơ sở thực tiễn nào đó.
Vậy cách làm bài văn miêu tả sáng tạo lớp 6? Đối với dạng bài này, người viết cần phát huy trí tưởng tượng của bản thân nhưng vẫn phải đảm bảo tính chân thực cho bài viết.
Ví dụ khi tả một phiên chợ trong tưởng tượng, ta cần dựa trên các yếu tố thực tế như khung cảnh chợ, số lượng người, địa điểm, thời tiết khí hậu,… để tưởng tượng, thêm thắt cho câu chuyện của mình độc đáo, thu hút hơn.
Cách tả bài văn hay và ấn tượng
Để viết bài văn hoặc đoạn văn miêu tả hay và hấp dẫn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Nắm chắc yêu cầu
Cách làm văn miêu tả là gì? Trước tiên chúng ta cần nắm rõ yêu cầu đề bài. Điều này sẽ giúp các bạn hiểu rõ đối tượng miêu tả là ai để chọn ý và có định hướng viết bài phù hợp.
Rèn luyện kỹ năng quan sát
Quan sát là kỹ năng quan trọng khi làm văn miêu tả. Một bài viết sâu sắc và trau chuốt được xây dựng dựa trên sự quan sát tỉ mỉ, chú trọng đến từng chi tiết nhỏ. Ngược lại, nếu quan sát hời hợt thì bài viết sẽ rất khô khan, ít hình ảnh, không hấp dẫn.
Khi quan sát, hãy nhìn nhận đối tượng dưới nhiều góc độ khác nhau để có cái nhìn tổng quát nhất:
- Quan sát từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, từ các chi tiết lớn đến các chi tiết nhỏ để tìm ra điểm nổi bật của đối tượng.
- Quan sát đối tượng bằng nhiều giác quan như thính giác, khứu giác, xúc giác,… để có sự hình dung sinh động về đối tượng.
Chọn bố cục miêu tả phù hợp
Bố cục miêu tả là gì? Bố cục miêu tả là cách bạn tái hiện lại đối tượng để người đọc, người nghe dễ dàng hình dung hơn. Lựa chọn bố cục phù hợp sẽ giúp bài văn trở nên mạch lạc và súc tích.
Bố cục trong văn miêu tả được chia thành 2 loại, đó là:
- Đi từ khái quát đến cụ thể: Thường áp dụng cho văn tả cảnh, nội dung bài viết sẽ đi từ bức tranh tổng quát và sau đó là các sự vật nhỏ bên trong. Phương pháp này giúp tái hiện chiều sâu của cảnh vật và người đọc sẽ dễ hình dung ra khung cảnh.
- Đi từ chi tiết nổi bật đến các chi tiết ít nổi bật hơn: Phương pháp này thường áp dụng cho văn miêu tả đồ vật, tả người và tả con vật.
Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý
Lập dàn ý là một bước quan trọng khi làm văn miêu tả để tránh tình trạng bỏ sót ý, lan man, không đúng chủ đề. Để lập dàn ý chi tiết nhất, bạn cần chú ý những điều sau:
- Hãy liệt kê các đặc điểm nổi bật của đối tượng ra nháp. Sau đó, lựa chọn các chi tiết đắt giá để đưa vào bài viết.
- Sắp xếp các chi tiết, hình ảnh đó một cách logic, phù hợp, tạo nên bố cục hoàn chỉnh cho bài viết.
Kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật
Khi làm văn miêu tả, chúng ta cần kết hợp thêm nhiều biện pháp tu từ khác như nhân hóa, so sánh, từ láy, từ gợi tả,… Điều này giúp bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn, không bị nhàm chán, đơn điệu.
Kết hợp các yếu tố tự sự và biểu cảm
Đừng quên thêm thắt các yếu tố tự sự và biểu cảm khi làm văn miêu tả. Mặc dù chỉ là yếu tố phụ trợ nhưng sự xuất hiện của chúng sẽ giúp bài văn thêm sâu sắc và có chiều sâu hơn. Qua đó, người đọc có thể dễ dàng hình dung về đối tượng miêu tả và hòa chung vào mạch cảm xúc của người viết.
Có thể bạn quan tâm:
Trên đây là bài viết giải thích khái niệm miêu tả là gì và một số bí quyết giúp tả văn hay, cuốn hút. Mong rằng sẽ mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn đọc trong quá trình ôn luyện nhé!