Có nhiều cách để trình bày một đoạn văn; trong đó phổ biến nhất là quy nạp và diễn dịch. Vậy diễn dịch là gì? Quy nạp là gì? Những thông tin chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn nhé!
Contents
Phép diễn dịch là gì? Các khái niệm liên quan
Diễn dịch là phương pháp đi từ tri thức, kiến thức về cái chung đến tri thức về cái riêng. Đây là quá trình vận dụng các nguyên lý chung để xem xét và rút ra kết luận về cái riêng từ nguyên lý chung đã biết.
Tuy nhiên, để rút ra kết luận theo con đường diễn dịch thì tiền đề phải đúng, tuân thủ các quy tắc logic, có quan điểm rõ ràng, dẫn chứng cụ thể khi vận cái chung vào cái riêng.

Đoạn văn diễn dịch là gì?
Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn được trình bày theo phương pháp hoặc phép diễn dịch. Trong đó, mở đầu đoạn văn là câu chủ đề có nhiệm vụ khái quát, nêu bật chủ đề chính. Các câu văn tiếp theo có nhiệm vụ phân tích, minh họa, lập luận, giải thích,… để làm rõ cho câu chủ đề. Hoặc đơn giản là bộc lộ tình cảm, cảm xúc, nhận xét hay tư tưởng của người viết.
Ví dụ: Với kiến thức về loài chó, tìm hiểu thông tin chi tiết riêng về loài chó cỏ Việt Nam.
Ví dụ đoạn văn diễn dịch
Khói thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người hút mà cả những người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Khi hít phải khói thuốc, đối tượng có thể mắc các bệnh như tăng cholesterol trong máu, cao huyết áp, thậm chí là bệnh tim mạch. Thực tế, đã có rất nhiều ca tử vong do ung thư phổi, bệnh tim do hút thuốc lá…. thụ động. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim của người hít khói thuốc cũng cao hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ được sinh ra từ người hút thuốc lá chủ động hay bị động có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Quy nạp là gì? Các kiến thức liên quan
Phép quy nạp là gì?
Phương pháp quy nạp là gì trong Văn Học? Đây là phương pháp đi từ kiến thức về cái riêng đến tri thức về cái chung, từ những tri thức ít chung đến nguồn tri thức chung hơn.
Ví dụ: Nghiên cứu đặc điểm của các cá thể voi ở Tây Nguyên để rút ra kết luận chung về đặc điểm của loài voi.

Quy nạp là quá trình đúc rút nguyên lý chung từ sự quan sát các sự vật riêng lẻ. Điều kiện của quy nạp là lặp lại một hiện tượng nào đó. Có 2 loại quy nạp, đó là:
- Quy nạp hoàn toàn: Có tiền đề bao quát về đối tượng nghiên cứu; từ đó rút ra kết luận chung về tính phổ biến của đối tượng.
- Quy nạp không hoàn toàn (quy nạp đơn giản): Thông qua quá trình nghiên cứu và quan sát một thuộc tính nào đó của sự vật (thuộc tính này lặp lại nhiều lần và không có sự thay đổi). Từ đó có thể rút ra kết luận các đối tượng thuộc loài này đều có thuộc tính như vậy. Các kết luận được rút ra từ phương pháp quy nạp này có thể đúng hoặc sai, chỉ mang tính chất tương đối.
Đoạn văn quy nạp là gì?
Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được trình bày theo phương pháp quy nạp; từ các ý nhỏ đến các ý lớn hơn; từ các ý chi tiết đến các ý khái quát hơn. Với các trình bày này, câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn; có nhiệm vụ kết luận, khép lại nội dung cho đoạn văn. Các câu trước đó được trình bày theo các thao tác như minh họa, lập luận, chứng minh,… để rút ra đánh giá chung.
Ví dụ đoạn văn quy nạp
Trong tiệm sửa xe, khí nén được dùng để bơm hơi xe, xì khô xe sau khi rửa, xịt rửa nội thất xe hơi, hỗ trợ cho nhiều thiết bị khác hoạt động như máy bơm mỡ, cầu nâng, máy khoan,… Trong các nhà xưởng sản xuất, khí nén được dùng để hỗ trợ cho dây chuyền sản xuất vận hành, nâng cẩu hàng hóa,… Trong lĩnh vực y tế, khí nén được dùng để cung cấp oxy cho bệnh nhân, sục rửa thiết bị y tế, nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, sử dụng trong phòng khám nha khoa,… Như vậy, có thể thấy được khí nén đóng vai trò quan trọng và được ứng dụng rất phổ biến trong đời sống.
Mối quan hệ giữa diễn dịch và quy nạp là gì?
Từ khái niệm quy nạp và diễn dịch là gì, có thể thấy rằng đây là hai phương pháp có chiều hướng trái ngược nhau. Thế nhưng, chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm tiền đề cho nhau. Nhất là trong hoạt động nghiên cứu khoa học, diễn dịch và quy nạp luôn song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau để rút ra kết luận đúng đắn nhất về sự vật, hiện tượng được nghiên cứu.
Cách trình bày đoạn văn quy nạp và diễn dịch
Cách viết đoạn văn diễn dịch
Đối với đoạn văn diễn dịch, ta sẽ trình bày theo cấu trúc sau:
- Câu chủ đề: Mang ý nghĩa khái quát chung về vấn đề cần trình bày.
- Câu triển khai 1, 2, 3, 4,….: Có nhiệm vụ phân tích, chứng minh, lập luận, giải thích,… để làm rõ câu chủ đề.
Cách viết đoạn văn quy nạp
Ngược lại với diễn dịch, đoạn văn quy nạp được trình bày như sau:
- Câu triển khai 1, 2, 3, 4,…: Với các câu triển khai, chúng ta sử dụng các thao tác như minh họa, phân tích, chứng minh, lập luận,… để nói về đối tượng trình bày.
- Câu kết luận: Cuối cùng, rút ra kết luận để khép lại nội dung vừa trình bày.
Các cách trình bày đoạn văn khác trong Văn Học
Ngoài diễn dịch và quy nạp, chúng ta còn có các cách trình bày đoạn văn sau:
Tổng phân hợp
Tổng phân hợp là gì? Đây là cách trình bày đoạn văn phối hợp giữa diễn dịch và quy nạp. Tức là, đoạn văn sẽ có câu mở đầu để nêu ý khái quát bậc nhất. Các câu tiếp theo được triển khai để làm rõ cho câu mở đầu. Kết thúc đoạn văn là câu khái quát bậc hai, mang tính chất nâng cao và mở rộng vấn đề.
Những câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác như phân tích, chứng minh, bình luận, đánh giá,… Tổng – phân – hợp là mô hình cấu tạo nên bài văn nghị luận.
Ví dụ về đoạn văn tổng – phân – hợp: Sách mang đến cho con người nguồn tri thức vô hạn. Chúng cung cấp cho chúng ta những kiến thức về chính trị, tôn giáo, văn hóa vùng miền,… Không chỉ vậy, sách còn giúp chúng ta chiêm nghiệm xã hội thời xưa thông qua các tác phẩm văn học, tài liệu lịch sử,… Nhờ có sách mà cuộc sống của chúng ta thêm phần phong phú và thú vị. Đọc sách, ta có thể thấu hiểu được nhiều thứ, mở mang vốn tri thức và áp dụng chúng vào cuộc sống thường. Bởi vậy, sách được coi là kho tàng kiến thức của nhân loại.

Xem thêm:
Song hành
Song hành là gì Ngữ Văn? Đây là cách trình bày một đoạn văn không có câu chủ đề. Các câu trong đoạn văn được triển khai song song, diễn đạt một khía cạnh của vấn đề, không nội dung nào bao trùm lên nội dung nào. Tuy vậy, chúng đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau để làm sáng tỏ nội dung của đoạn văn.
Ví dụ đoạn văn song hành: Bánh chưng là món bánh truyền thống, được làm từ các nguyên liệu rất đơn giản như: lá dong xanh mướt dùng để gói bánh, gạo nếp dùng làm vỏ bánh và nhân từ thịt lợn, đỗ xanh, hành khô. Tương truyền, bánh chưng xuất hiện từ thời vua Hùng Vương thứ 6, do Hoàng Tử Lang Liêu làm theo giấc mơ. Bánh chưng được dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên, làm quà biếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Móc xích
Đoạn văn được trình bày theo hình thức móc xích có kết cấu vô cùng chặt chẽ. Câu trước liên kết với câu sau, đan xen với nhau để làm nổi bật vấn đề cần trình bày. Câu chủ đề của đoạn văn móc xích có thể có hoặc không.
Ví dụ đoạn văn móc xích: Bảo vệ môi trường là mối quan tâm chung của toàn cầu. Bảo vệ môi trường là hoạt động mang tính chất cộng đồng, có quy mô lớn. Có nhiều cách bảo vệ môi trường nhưng quan trọng hơn hết là mỗi chúng ta cần phải có ý thức về ô nhiễm môi trường, tầm quan trọng của môi trường để chung tay góp sức nhỏ của mình vào sự nghiệp lớn của nhân loại.
Trên đây là bài viết chia sẻ diễn dịch là gì, quy nạp là gì và một số cách trình bày đoạn văn khác. Mong rằng sẽ mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn đọc hơn nhé!