Văn biểu cảm là gì? Đây là dạng văn bộc lộ tình cảm, cảm xúc, đánh giá của con người về thế giới xung quanh. Để hiểu rõ hơn về khái niệm và đặc điểm văn biểu cảm, mời bạn đọc theo dõi bài viết này của maydanhbongsan.com nhé!
Contents
Biểu cảm là gì?
Biểu cảm là một từ ghép bởi hai tiếng có ý nghĩa. Trong đó, “biểu” là diễn tả, bộc lộ, biểu đạt,…; còn “cảm” là cảm xúc của con người như vui, buồn, ghét, thương, hạnh phúc, khó chịu,…
Biểu cảm là bộc lộ tâm tư, tình cảm, cảm xúc của con người thông qua ngôn ngữ và các phương tiện khác. Biểu cảm là một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống thường ngày.

Vậy có mấy cách biểu cảm? Hiện nay có 2 cách biểu cảm chính là:
- Biểu cảm trực tiếp: Người nói/ người viết bộc lộ trực tiếp cảm xúc vui, buồn, giận, ghét,…. Trong văn học, cách biểu cảm này được thể hiện dưới dạng độc thoại nội tâm, suy nghĩ hoặc dùng từ cảm thán trong khi đối thoại,…
- Biểu cảm gián tiếp: Dùng nhiều phương pháp khác nhau để khơi gợi cảm xúc của người đọc/ người nghe mà không phải do người nói/ người viết trực tiếp biểu lộ. Dạng này đòi hỏi người viết phải lồng ghép thêm các yếu tố miêu tả, tự sự để mạch cảm xúc tuôn trào, người đọc có thể dễ dàng nhận ra cảm xúc của tác giả.
Văn biểu cảm là gì?
Thế nào là văn biểu cảm? Văn biểu cảm là loại văn được viết nhằm mục đích thể hiện cảm xúc, tình cảm, quan điểm, đánh giá của người viết đối với con người và các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Đồng thời, người viết còn khơi gợi sự đồng cảm, suy nghĩ với người đọc.
Văn biểu cảm luôn có sự nhất quán về cảm xúc về đối tượng được đề cập đến. Đó có thể là lòng nước nước, tình yêu thiên nhiên, lòng thương cảm với những số phận bất hạnh, thậm chí là bộc lộ sự yêu ghét rõ ràng.
Ngoài ra, khi làm văn biểu cảm, tác giả thường lồng ghép các yếu tố miêu tả, sự sự,… để làm nổi bật sự vật, con người được nói đến. Từ đó, giúp độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về đối tượng và người viết có thể bộc lộ cảm xúc chân thật hơn.

Ví dụ về văn biểu cảm
Dưới đây là đoạn văn ngăn miêu tả cảm xúc về ngày khai trường, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về văn biểu cảm là gì nhé:
Đối với tôi, ngày đẹp và giàu cảm xúc nhất là buổi đầu tiên khi bước chân vào lớp 1. Đó là buổi sáng mùa thu se lạnh, mẹ gọi tôi dậy vệ sinh cá nhân và ăn sáng để đến trường. Hôm nay thật đặc biệt, tôi cảm thấy rất phấn khởi, háo hức vì được mặc quần áo mới, được mẹ chở đi khai trường và chuẩn bị được bước vào môi trường mới.
Nhưng khi đứng trước cánh cổng khang trang, tôi bỗng cảm thấy có chút lo sợ và hơi chùn bước. Mẹ mỉm cười xoa đầu, dặn dò tôi phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô rồi dắt tôi đến cửa lớp. Ngày đầu tiên đi học của tôi chỉ đơn giản vậy đó nhưng sẽ mãi là kỷ niệm đẹp theo tôi trong suốt cuộc đời này.
Đặc điểm chung của văn biểu cảm là gì?
Đối tượng biểu cảm
Đối tượng của văn biểu cảm có thể là sự vật, hiện tượng, con người, các vấn đề xảy ra trong cuộc sống,…. Chúng đều gợi ra cho chủ thể cảm xúc, tình cảm, sự suy tư và ngẫm nghĩ.
Nội dung biểu cảm
Đời sống tâm hồn của con người rất sinh động và phong phú. Vì vậy, nội dung biểu cảm cũng rất đa dạng tùy theo cách cảm nhận của người viết.
Ví dụ: Khi đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, có người thể hiện niềm vui, sự háo hức vì được chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Nhưng cũng có người cảm thấy không vui vì cảnh vật gợi nhắc về những kỷ niệm buồn trong quá khứ.
Kết hợp các phương thức biểu đạt khác nhau
Biểu cảm là phương thức chính của bài văn biểu cảm. Bên cạnh đó, các yếu tố miêu tả, tự sự, nghị luận,…. cũng được sử dụng bài viết sinh động, hấp dẫn và giúp người đọc, người nghe hiểu rõ hơn về đối tượng.
Thường dùng các từ ngữ biểu cảm
Các từ ngữ biểu cảm thường được sử dụng khi làm văn biểu cảm. Chúng giúp khắc họa rõ nét tình cảm của người viết và dễ dàng dẫn dắt người đọc vào mạch cảm xúc của bài văn.

Cách làm văn biểu cảm, nêu cảm nhận hay và đạt điểm cảm
Bước 1: Tìm hiểu đề bài
Khi làm văn biểu cảm, hãy tìm hiểu thật kỹ yêu cầu đề bài. Bước này sẽ giúp bạn xác định rõ đối tượng biểu cảm và có định hướng viết bài cho phù hợp.
Ví dụ với đề bài: “Phát biểu cảm nghĩ của em về món quà tuổi thơ”, bước tìm hiểu đề như sau:
- Đối tượng: Món quà tuổi thơ
- Yêu cầu của đề bài: Thể hiện suy nghĩ, cảm xúc cá nhân về món quà ấy.
Bước 2: Tìm ý
Tìm ý khi làm văn biểu cảm là gì? Đó là việc người viết dựa trên sự quan sát thường ngày về đối tượng kết hợp với hồi tưởng quá khứ, suy nghĩ về tương lai hoặc tưởng tượng để xác định cảm xúc, tình cảm của bản thân.
Ví dụ với đề bài trên, ta có thể xác định cảm hứng chủ đạo là tình cảm dành cho món quà vì nó gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Từ đó, ta có thể tìm được rất nhiều ý cho bài viết như:
- Món quà đó trông như thế nào? (Giới thiệu về đặc điểm của món quà)
- Vì sao bạn có được món quà đó? Miêu tả cảm xúc của bạn khi nhận quà?
- Bạn có tình cảm gì đối với món quà?
- Kỷ niệm tuổi thơ nào được gợi nhắc từ món quà đó?
- Hiện giờ món quà ấy trông như thế nào?
Khi tìm ý, nên chọn những ý tiêu biểu và ấn tượng cho vào bài viết để tránh sự lan man, dài dòng khi viết.

Bước 3: Lập dàn ý
Bước tiếp theo trong cách viết văn biểu cảm là lập dàn ý. Bố cục chung của bài văn biểu cảm là:
- Mở bài: Giới thiệu sơ lược, khái quát về đối tượng biểu cảm.
- Thân bài: Trước tiên, hãy miêu tả sơ lược về đối tượng để người đọc có hình dung rõ ràng về đối tượng. Tiếp đến là nêu suy nghĩ, cảm xúc của người viết dành cho đối tượng thông qua những câu chuyện hoặc kỷ niệm đáng nhớ.
- Kết bài: Khái quát lại tình cảm của bạn dành cho đối tượng. Đồng thời bày tỏ ý kiến, đánh giá về đối tượng.
Bước 4: Viết bài, đọc sửa chữa
Sau khi đã xây dựng bố cục hợp lý cho bài văn, ta sẽ bắt đầu viết bài. Cần bám sát vào bố cục khi viết bài. Đồng thời cần chú ý tránh các lỗi thường gặp như lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, cách sử dụng từ ngữ,… để bài viết liền mạch và truyền tải tình cảm tốt hơn đến người đọc, người nghe.
Cuối cùng, đọc và sửa chữa lại bài viết sau khi viết xong.
Các dạng bài tập thường gặp khi làm văn biểu cảm
Khi làm văn biểu cảm, chúng ta thường gặp 2 dạng bài sau:
Biểu cảm về con người, sự vật
Đây là dạng bài cơ bản nhất, thường gặp trong chương trình Ngữ Văn lớp 7. Với bài tập này, người viết sẽ phát biểu cảm nghĩ về các sự vật, hiện tượng và những người thân thiết trong cuộc sống thường ngày.
Ví dụ: Cảm nghĩ về một người thân trong gia đình
Cảm nghĩ về tác phẩm văn học
Với dạng bài này, người viết sẽ trình bày cảm xúc, suy ngẫm, liên tưởng, đánh giá,… về các phương diện khác nhau của một tác phẩm văn học.
Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm phức tạp hơn so với dạng bài biểu cảm về con người, sự vật. Bởi nó yêu cầu người học phải có hiểu biết sâu sắc về tác phẩm dưới nhiều khía cạnh như nội dung, nghệ thuật, biện pháp tu từ, nhân vật, cách xây dựng cốt truyện,… Từ đó có thể cảm thụ, phát biểu suy nghĩ và cảm nhận rõ hơn về tác phẩm.

Có thể bạn quan tâm:
Trên đây là bài viết chia sẻ về văn biểu cảm là gì và những thông tin liên quan. Mong rằng sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích để có thể đạt điểm cao khi làm văn biểu cảm nhé!